image

Nguyễn Văn Quang (30 tuổi) ở xã Thạnh Đông, huyện biên giới Tân Châu (Tây Ninh) đã cấy trầm trên cây gió bầu, mở xưởng sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bước đầu thành công trên con đường lập nghiệp.

Tốt nghiệp trường trung cấp năm 2013, Quang về xã Thạnh Đông khởi nghiệp với cây gió bầu. Theo Quang, gió bầu là loại cây tạo trầm nguyên liệu khá phổ biến, phục vụ ngành hóa mỹ phẩm. Gió bầu được trồng nhiều và phổ biến ở Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Khoảng chục năm trở lại đây, gió bầu phát triển ở vùng Đông Nam Bộ. Ở Tây Ninh cũng có nhiều người trồng gió bầu với mục đích cấy trầm. Tuy nhiên trồng thì dễ, cấy được trầm thì cần phải có “duyên”. Chính vì vậy không phải ai cũng có thể cấy trầm, tạo trầm, chế biến hay kinh doanh trầm.

Chia sẻ về thời gian đầu khởi nghiệp, Quang cho biết mình đã gặp khá nhiều khó khăn, thất bại vì chưa hiểu gì về đặc điểm của trầm hương và cây gió bầu. Nhưng anh không nản chí, vừa mua bán, vừa tìm hiểu và được bạn bè giúp đỡ. Anh nghiên cứu trên mạng internet, sách báo, tài liệu về cách tạo trầm và mua cây gió bầu từ 3 – 5 năm tuổi của người dân gần nhà để thử nghiệm việc cấy trầm. Lúc đầu khi Quang cấy trầm vào thân, cây gió bầu đã chết hàng loạt. Không nản, anh lại tiếp tục nghiên cứu, làm quen và học hỏi những người có kinh nghiệm…

Hiện tại Quang có hơn 800 cây gió bầu thẳng tắp, xanh mướt trước vườn nhà đang được cấy trầm. Quang cho biết, trồng cây dó bầu rất dễ, không khác gì trồng rừng. Cây dó bầu rất thích hợp với nhiệt độ nóng ẩm ở Tây Ninh. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, tuyệt đối không để cây bị khô vào mùa nắng và cũng không để cây bị ngập nước vào mùa mưa.

“Gió bầu 3 năm tuổi là có thể cấy trầm. Từ 4 năm trở lên, khi nước mưa thấm vào, hòa với nhựa của cây, sẽ kết trầm. Sau khoảng hai năm cấy trầm, chúng ta có thể thu hoạch được trầm. Tuy nhiên nếu thời gian cấy càng lâu, lượng trầm càng nhiều và hương thơm càng đậm”, Quang chia sẻ thêm.

Kinh nghiệm tạo trầm được Quang chia sẻ: Dùng khoan khoan sâu vào thân và tiêm vào đó một hỗn hợp hóa học kích thích tạo trầm. Lâu ngày, tại những vết khoan hình thành một lớp mỏng màu nâu hoặc sậm, nằm giữa phần gỗ khô và phần gỗ tươi. Phần gỗ khô ấy chính là trầm nguyên liệu.

Cầm trên tay một mảnh gỗ vô ưng, xấu xí, Quang vừa đốt, vừa khoe: “Đây là trầm được nạo lấy trong thân cây gió bầu, khi đốt sẽ tỏa mùi hương. Trầm hương được khai thác từ cây gió bầu là nguyên liệu quý. Mỗi một chi tiết trên cây gió bầu được cấy trầm đều được sử dụng, tùy theo mục đích mình muốn làm gì mà thôi”.

Mở xưởng và kinh doanh

Cơ sở chế biến trầm hương của Quang nằm ngay tại nhà riêng ở xã Thạnh Đông. Ngôi nhà nhỏ có một kho trầm, là tài sản mà Quang tích lũy mấy năm qua. Chia sẻ về hướng đi sắp tới Quang cho biết mình hy vọng có thể mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Trung bình mỗi tháng xưởng của Quang sản xuất được trên 500 chiếc vòng trang sức và chuỗi hạt các loại với giá bán từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng mỗi chiếc. Mỗi năm Quang thu lợi từ trầm khoảng 300 triệu đồng.

Ngoài sản phẩm từ trầm hương nhân tạo Quang còn sở hữu một bộ sưu tập các sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ trầm hương tự nhiên và các loại gỗ quý, như xá xị, sưa, huyết long… Ngoài xưởng tại nhà, Quang còn hợp tác với một người bạn mở xưởng sản xuất nhang trầm sạch tại Bình Dương, tạo việc làm cho 20 lao động. Các sản phẩm từ trầm của Quang đều được tiêu thụ rộng rãi. Quang đang phấn đấu tìm kiếm thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…

Nguồnhttps://nongnghiep.vn/thanh-cong-buoc-dau-tu-tram-huong-cua-chang-trai-mien-bien-gioi-tay-ninh-d224228.html